Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm là dịp đặc biệt để gia đình quây quần bên nhau thông qua phong tục truyền thống của dân tộc. Cúng rằm tháng 7 vừa mang ý nghĩa tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến đấng sinh thành, vừa là để cô hồn không quấy phá công việc làm ăn của gia đình.
Trong bài viết dưới đây, Bàn Thờ Tâm Việt sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 cũng như cách chuẩn bị mâm cơm cúng chỉn chu và trọn vẹn nhất.
Rằm tháng 7 là ngày gì?
Từ xưa đến nay, người đời vẫn truyền tai nhau rằng tháng 7 là tháng cô hồn nhưng trên thực tế, đây là lễ cúng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau này mới bắt đầu lan rộng đến nhiều nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ngày “xá tội vong nhân”
Cụ thể, cúng rằm tháng 7 xuất phát từ Đạo giáo thời hậu Đông Hán. Đạo này quan niệm rằng, ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch là ngày “mở cửa quỷ môn” còn ngày “đóng cửa quỷ môn” sẽ rơi vào ngày cuối cùng của tháng 7.
Mỗi năm, cửa địa ngục sẽ mở ra vào ngày đầu tiên của tháng 7 để những cô hồn bị chết oan, chết mà không có người thân thờ cúng sẽ lên dương thế để hưởng sự cúng tế từ người trần. Đồng thời tìm người thế mạng để được siêu thoát.
Do đó, lễ cúng rằm tháng 7 sẽ không thể thiếu được mâm cúng chúng sinh, tức cúng cô hồn. Trước hết là cho các vong linh được ăn uống, sau là cầu mong họ không quấy nhiễu và làm hại đến gia đình mình. Có thể nói, cúng cô hồn rằm tháng 7 cũng thể hiện truyền thống tốt đẹp, lương thiện và nhân văn của người Việt.
Lễ Vu Lan báo hiếu
Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Vu Lan – ngày lễ để con cái báo đáp công ơn đối với đấng sinh thành và dưỡng dục. Nguồn gốc của lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ sự tích Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục.
Từ đó, Vu Lan không chỉ là ngày lễ để báo hiếu với bố mẹ ở kiếp này mà còn nhiều kiếp trước. Cúng rằm tháng 7 luôn là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt, nhắc nhở nhau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Vào ngày này, những gia đình theo đạo Phật thường sẽ cầu siêu cho người đã khuất, cúng dường chúng sinh, làm phúc bố thí để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ tăng phúc tăng thọ.
Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào?
Bởi vì không cố định ngày chuẩn nên tùy vào quan niệm và hoàn cảnh cụ thể mà gia đình sẽ thực hiện cúng rằm tháng 7 vào thời gian khác nhau. Theo quan niệm dân gian, Quỷ môn quan sẽ mở cửa từ mùng 2 và đóng lại vào cuối ngày rằm. Vì vậy, gia chủ có thể cúng từ ngày 2 cho đến ngày 15 tháng 7.
Phần lớn gia đình đều chọn cúng vào ngày cuối tuần gần với rằm tháng 7 để các thành viên có thể thu xếp và lên kế hoạch phù hợp với công việc của mình.
Tại Việt Nam, phong tục cúng rằm tháng 7 sẽ được thực hiện ở chùa trước, sau đó mới đến cúng tại gia. Đặc biệt, lễ Vu Lan sẽ tiến hành ban ngày còn lễ cúng cô hồn sẽ vào buổi chiều tối trước 12 giờ đêm. Vì người ta tin rằng, vong linh sẽ thoát khỏi địa ngục vào lúc mặt trời lặn.
Xem thêm:
>>> Tháng Cô Hồn Không Nên Làm Gì Theo Quan Niệm Dân Gian?
Vàng mã cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Vàng mã là một trong những vật phẩm không thể thiếu khi cúng rằm tháng 7. Bên cạnh mâm cỗ mặn cúng thần linh và gia tiên, gia chủ cũng cần chuẩn bị giấy tiền vàng mã, tiền âm phủ cũng như các vật dụng được làm bằng giấy như quần áo, nhà cửa, xe cộ để đốt xuống cho người âm.
Ngoài ra, mâm lễ cúng chúng sinh sẽ không thể thiếu tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 – 50 bộ. Trước khi tiến hành lễ cúng, gia chủ cũng cần ghi các thông tin như họ tên người mất, giới tính và ngày giờ mất để có thể “đến tay” người âm dễ dàng hơn.
Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?
Để lễ cúng rằm tháng 7 được trọn vẹn nhất, gia chủ cần chuẩn bị 3 mâm cúng. Trong đó, mâm cỗ chay cúng Phật, mâm cỗ mặn cúng thần linh và gia tiên đặt trên bàn thờ trong nhà. Còn mâm cúng chúng sinh sẽ đặt bên ngoài:
Mâm cỗ chay cúng Phật
- Xôi trắng hoặc xôi gấc, xôi đỗ xanh, xôi vò hạt sen đều được.
- Giò, chả chay.
- Nem chay hoặc nem rau nấm, nem hoa quả.
- Gỏi hoa chuối ngó sen, nộm rau củ.
- Canh nấm, canh rau củ hoặc canh bóng nấu chay.
- Đậu hũ non sốt nấm hoặc cải thìa sốt nấm hương.
- Hoa quả.
Mâm cỗ mặn cúng thần linh và gia tiên
- Một con gà luộc đầy đủ bộ phận.
- Xôi đỗ xanh hoặc xôi vò, xôi gấc, xôi dừa.
- Nem rán, giò lụa.
- Canh nấm mọc hoặc canh rau củ thập cẩm, canh sườn bí đao.
- Nộm gà xé phay hoặc nộm đu đủ bò khô, nộm hoa chuối.
Mâm cỗ cúng chúng sinh
- Chuẩn bị 12 bát cháo trắng nhỏ.
- Muối gạo.
- Hoa quả.
- Quần áo.
- Các loại bỏng ngô và bánh kẹo.
- Nước
Cách bài trí mâm cúng rằm tháng 7 như thế nào?
Bài trí mâm cơm cúng rằm tháng 7 đúng chuẩn cũng là điều được nhiều gia chủ quan tâm. Khi bài trí mâm cơm cúng rằm tháng 7, gia chủ cần phải chú ý sắp xếp lễ vật phù hợp với từng mâm cúng. Trước tiên, đối với mâm cúng Phật, gia chủ nên chuẩn bị đồ ăn chay, nếu không có đồ ăn chay thì gia chủ chỉ cần chuẩn bị nước lọc và hoa tươi. Đặt mâm cúng Phật nên vị trí cao nhất của bàn thờ.
Tiếp đến là mâm cúng gia tiên, gia chủ cần chuẩn bị một số đồ cúng cơ bản như: gà luộc, xôi, giò, bánh trưng cùng một số món phụ đơn giản. Cuối cùng là mâm cúng chúng sinh, với mân cúng chúng sinh gia chủ không nên chuẩn bị quá nhiều đồ cúng, tránh khơi dậy sự tham lam và sân si.
Một số lưu ý khi làm lễ cúng rằm tháng 7
Để lễ cúng rằm tháng 7 được trọn vẹn nhất, gia chủ cần lưu ý:
- Không nên cúng chúng sinh bằng những món mặn vì theo quan niệm dân gian, điều này có thể khơi dậy lòng tham, sân, si.
- Phải đặt mâm cúng chúng sinh ở bên ngoài và trước cửa nhà.
- Rải tiền vàng phải để 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi hướng từ 3 – 5 cây hương. Sau khi làm lễ thì vãi ra sân, đường và đốt vàng mã.
- Sau khi gần hết 1 tuần hương thì tiến hành cúng hóa vàng ở một góc sân sạch sẽ theo thứ tự thần linh trước, gia tiên sau.
- Sau khi hạ lễ đều phải vái 3 vái và khấn “gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân,… thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.
Như vậy, hy vọng với những thông tin hữu ích mà chuyên gia của Bàn Thờ Tâm Việt vừa chia sẻ, gia chủ sẽ tiến hành lễ cúng rằm tháng 7 một cách chỉnh chu và trọn vẹn nhất. Có như vậy, các thành viên trong gia đình mới gặp nhiều may mắn, tránh được những vận xui trong tháng cô hồn.
Văn khấn cúng rằm tháng 7
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm………
Tín chủ chúng con là…..
Ngụ tại…….
Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.
Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.
Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Có thể bạn quan tâm:
>>> Bài Văn Khấn Rằm Tháng 7 Âm Lịch Đầy Đủ Và Chính Xác Nhất