Cửu Huyền Thất Tổ Là Gì? Cách Lập Bàn Thờ Cửu Huyền Thất Tổ

Hiện nay, phần lớn gia đình Việt sử dụng bài vị có ghi bốn chữ Cửu Huyền Thất Tổ để bày trí trên bàn thờ gia tiên. Chẳng những giúp không gian thờ tự trang nghiêm hơn, Cửu Huyền Thất Tổ còn nhắn nhủ con cháu đời sau phải luôn kính trọng, biết ơn các vị tiền nhân. Hơn hết là nét đẹp văn hóa dân tộc về truyền thống uống nước nhớ nguồn. 

Cửu Huyền Thất Tổ là gì?

Cửu Huyền Thất Tổ (chữ Hán: 九玄七祖) thường được khắc trên các tấm bảng gỗ, bài vị và liễn thờ để bài trí bàn thờ gia tiên. Trong đó: 

  • Cửu Huyền tức là chín đời: Cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít. 
  • Thất Tổ là bảy đời: Cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ.

Hai cụm từ “Cửu Huyền” và “Thất Tổ” đều xuất hiện trong cổ văn Trung Quốc nhưng lại không được sử dụng trong văn hóa Trung Quốc hiện đại. Được biết, bốn chữ này được Thiền Sư Hương Hải (1728 – 1715) viết trong tác phẩm Sự Lý Dung Thông. Sau này, tác phẩm được Tiến sĩ Lê Mạnh Thát dày công biên khảo và dịch lại. 

cửu huyền thất tổ
Thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ là cách để răn dạy con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn

Một vị Hòa Thượng đã từng giải thích rằng, “Huyền” trong Cửu Huyền có nghĩa là “đen”, tức sau khi con người mất đi, thân xác rã rời, phân ly, chất tinh tủy xương máu đều bị hủy hoại và biến thành màu đen. Bởi vậy, 9 thế hệ xoay vần, sống chết được gọi là Cửu Huyền. 

Do đó, nhà thờ Cửu Huyền là nơi để thờ phụng những vị quá vãng. Còn Quý Tăng Ni miền Nam và miền Bắc dùng bài vị, liễn thờ khắc 4 chữ này để thờ ông bà, cha mẹ. 

Ý nghĩa Cửu Huyền Thất Tổ 

ý nghĩa cửu huyền thất tổ
Cửu Huyền Thất Tổ giúp con cháu tưởng nhớ, trân trọng công ơn dưỡng dục sinh thành của các vị tiền nhân

Đây là lời nhắn nhủ tới con cháu đời sau phải luôn tưởng nhớ, kính trọng, biết ơn những thế hệ đi trước. Bởi lẽ, họ là những người có công sinh thành, dưỡng dục. Không những vậy, đây còn là nét đẹp văn hóa Việt Nam, rằng “sang đò nhớ ơn người chèo chống, nằm võng nhớ ơn người mắc dây”. 

Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng nền văn hóa tinh thần này vẫn luôn được duy trì, phát huy và thấm sâu trong tiềm thức người Việt. Bởi vậy, bài vị Cửu Huyền Thất Tổ được xem là báu vật mang lại may mắn cho gia đình. Chưa kể, tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ còn giúp cho không gian thờ cúng linh thiêng và trang trọng hơn. 

Có nên thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ?

Đây là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi cũng như các ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng không nên thờ cúng Cửu Huyền  khi cha mẹ vẫn còn sống. Bởi vì Cửu huyền là 9 đời, việc thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ tức là thờ luôn là bố mẹ. Họ cho rằng đây là việc làm trái với đạo lý nếu không muốn nói là trù ẻo cha mẹ mất sớm. 

Ngược lại, không ít gia đình quan niệm “âm phù dương trợ”, tức là ngày hôm nay chăm nom phần âm thì ngày sau sẽ được hưởng phúc lộc, được bề trên nâng đỡ, gia đạo bình an. Hơn nữa, đây là vật phẩm thờ cúng không tương khắc với gia chủ nên sẽ không ảnh hưởng đến phong thủy. 

Nhìn chung, ý nghĩa to lớn nhất của Cửu Huyền Thất Tổ là giáo dục con cháu về lòng biết ơn, hiếu thuận với các vị tiền nhân, thương yêu nòi giống.    

Các loại Cửu Huyền Thất Tổ 

Hiện nay, rất nhiều vật phẩm thờ cúng được chế tác, chạm khắc bốn chữ này. Song phổ biến vẫn là bài vị, tranh thờ và liễn thờ. 

Bài vị Cửu Huyền Thất Tổ 

bài vị cửu huyền thất tổ
Bài vị Cửu Huyền Thất Tổ

Bài vị hay Long vị được làm bằng gỗ hoặc đồng mỏng có ghi 4 chữ Cửu Huyền Thất Tổ ở chính giữa và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nhờ có chân đế nên gia chủ có thể đặt bài vị cố định ở mọi nơi. 

Ngoài ra, các mẫu bài vị hiện nay còn được thiết kế nhỏ gọn, bền chắc, kích thước vừa vặn với mọi kích thước bàn thờ gia tiên. Tuy nhiên trước khi đặt lên bàn thờ, gia chủ cần phải tiến hành nghi thức an vị bài vị vào ngày lành, tháng tốt.  

Tranh Cửu Huyền Thất Tổ 

Tranh thờ là một trong những vật phẩm trang trí bàn thờ đẹp được nhiều gia đình lựa chọn. Với những bàn thờ có kích thước lớn, mặt bàn rộng rãi, việc bài trí tranh sẽ gọn gàng và đẹp mắt hơn. 

Ngày nay, tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ bằng gỗ được ưa chuộng hơn vì có giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đúc bằng đồng. Bên cạnh đó, các loại gỗ tự nhiên được sử dụng để chế tác tranh thờ còn có hương thơm dễ chịu, phù hợp với không gian linh thiêng, ấm cúng nơi thờ tự. 

Liễn thờ Cửu Huyền Thất Tổ 

Liễn thờ thường được treo cao hơn bàn thờ và hay còn được gọi là hoành phi câu đối. Chỉ khác một chút là nội dung của hoành phi được khắc 4 chữ Cửu Huyền Thất Tổ. Liễn thờ có giá thành đắt nhất trong các loại vừa kể trên nhưng lại làm nổi bật không gian thờ cúng. 

Cách lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ chuẩn

Lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng chính là tiến hành thủ tục để lập bàn thờ gia tiên. Đây là việc hệ trọng cần phải chuẩn bị tươm tất từ bước chọn ngày, mua sắm lễ cúng cho đến bài cúng Cửu Huyền Thất Tổ

  • Sau khi đã mua đầy đủ vật phẩm thờ cúng, gia chủ phải thanh tẩy bằng rượu trắng pha với gừng rồi mang đi phơi khô tự nhiên. 
  • Tiếp đó, quy trình bốc bát hương cũng phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, không ấn chặt mà nên cho từ từ để bát hương được đều. 
  • Tiến hành việc cúng lễ, đọc văn khấn và thắp nhang để an vị bàn thờ.
  • Sau khi đã hết tuần nhang, gia chủ hạ đồ cúng xuống và chia cho các thành viên trong gia đình để hưởng lộc.

Ngoài cách lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, vị trí đặt bàn thờ cũng là một trong những vấn đề được rất nhiều gia đình quan tâm. Trên thực tế, bàn thờ cửu huyền nên đặt ở đâu trong nhà? Thông thường, bàn thờ sẽ được đặt trong nhà thờ họ hoặc đặt ở nhà con trai trưởng trong gia đình. Vào ngày giỗ hàng năm, con cháu sẽ tụ tập góp giỗ. 

Mâm cơm cúng Cửu Huyền Thất Tổ 

Khi cúng Cửu Huyền Thất Tổ, trên mâm lễ bắt buộc phải có mâm ngũ quả với 5 màu sắc khác nhau. Người ta tin rằng, mâm ngũ quả không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu mà còn là mong ước lớn lao vào những điều tốt đẹp. Tùy theo phong tục của từng vùng miền mà mâm cơm cúng khi lập bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng sẽ có sự khác nhau:

  • Miền Bắc: Cơm trắngXôi gấc (xôi vò); giò chả; thịt quay; nộm; rau xào; nem rán; chân giò hầm măng hoặc mộc nhĩ và không thể thiếu gà luộc.
  • Miền Trung: Xôi vò, xôi lạc; gà luộc (hoặc thịt heo luộc); rau xào; cá thu kho khúc; canh xương hầm rau củ; thịt kho tiêu.
  • Miền Nam: Thường là thịt heo hầm măng; thịt kho tàu hay cá lóc kho với nước dừa; thịt ba chỉ luộc xắt miếng mỏng; món xào (tuyệt đối không dùng thịt rừng mà thường có các món nhưng xào chua, xào mặn).

Việc cúng kính không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà quan trọng nhất chính là tấm lòng thành của con cháu. 

Văn khấn Cửu Huyền Thất Tổ 

văn khấn cửu huyền thất tổ
Văn khấn Cửu Huyền Thất Tổ

“Hôm nay là ngày…tháng…năm… 

(Chúng) con tên là…, … tuổi, ở tại địa chỉ… 

Được ngày lành tháng tốt, (chúng) con thành tâm kính thỉnh Cửu Huyền Thất Tổ, nội ngoại tông thân, đồng lai lâm tọa vị, chứng minh lòng thành của con cháu. 

Kính mong Cửu huyền thất tổ anh linh, phù hộ độ trì cho (chúng) con và gia đình được bình an mạnh khỏe, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, công việc làm ăn được thuận lợi may mắn. 

(Chúng) con thành tâm kính thỉnh và hết sức biết ơn cao cả của Cửu huyền thất tổ và Nội ngoại tông thân. 

Kính thỉnh.” 

Sau khi hoàn thành bài khấn, gia chủ sẽ vái 3 lạy, cắm nhang vào bát hương sao cho nhang trường ở phía trước, nhang nhỏ ở phía sau. Đồng thời, tất cả mọi người trong gia đình cùng quỳ xuống lạy 4 cái, đứng dậy vái 3 cái. 

Như vậy lễ an vị bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ đã được hoàn thành. Không thể phủ nhận, thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục nhân cách, răn dạy con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

LIÊN HỆ THEO KHU VỰC

CHAT FACEBOOK THEO KHU VỰC

CHAT ZALO THEO KHU VỰC

TÌM SHOWROOM THEO KHU VỰC